• Hệ thống Phòng tiêm chủng SAFPO

Dịch bệnh vào mùa hè và cách phòng chống

Nhân những ngày cao điểm nắng nóng tại nhiều địa phương, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bs Nguyễn Tuấn Hải - Hệ thống phòng tiêm chủng vắc xin SAFPO/POTEC về dịch bệnh mùa hè và cách phòng chống.
Bs Nguyễn Tuấn Hải cho biết:

Những ngày hè với cái nóng như đổ lửa hay những buổi chiều oi nồng đã đến. Khí hậu nóng bức cũng là điều kiện rất thuận lợi để cho các vi khuẩn phát triển. Chúng ta thấy rõ điều đó khi thức ăn rất dễ bị ôi thiu nếu không để vào tủ lạnh, đặc biệt các loại thức ăn nhiều protein (đạm), khoái khẩu của các loại vi khuẩn. Có thể nói khí hậu nóng ẩm với mưa làm nhiều loại bệnh nhiễm trùng có cơ hội để bùng phát.

Công ty Y tế Đức Minh tăng cường hợp tác với các Trung tâm sinh học hàng đầu Cuba

Vậy thì chúng ta cần lưu ý gì về phòng chống bệnh truyền nhiễm vào mùa hè?

Trước tiên, chúng ta cần nhận diện các bệnh truyền nhiễm nào có nguy cơ bùng phát cao hơn vào mùa hè.

Đó là bệnh dại, bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, bệnh nhiễm vi khuẩn E.Coli, bệnh chân tay miệng, bệnh sốt xuất huyết (Dengue)…

Đó là các căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ra tử vong. Giờ thì chúng ta sẽ tìm hiểu về từng loại bệnh và các phòng chống.

Trụ sở Công ty Y tế Đức Minh tại Hà Nội

Bệnh dại do vi rút dại gây ra và lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, cào, liếm của chó, mèo, khỉ, dơi, chồn… Tuy nhiên chó là động vật sống gần gũi với người và là nguồn lây chính. Chó nhà lây bệnh từ động vật hoang dã (bị dại) và trở thành “chó dại”. Vào mùa hè, khí hậu nóng bức, chó có xu hướng ra ngoài và đi lang thang. Từ đó khả năng tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc chó khác đã bị dại tăng cao. Khi chó mắc dại, nó sẽ cắn người trước khi nó bị chết do dại. Do đó mùa hè thường là mùa cao điểm của bệnh dại với nhiều trường hợp bị chó cắn hơn các thời điểm khác trong năm.

Khi bị chó (hoặc súc vật) nghi dại cắn chúng ta cần làm gì?

Cần rửa vết thương bằng nước sạch, xà phòng càng kỹ càng tốt. Việc này làm giảm nồng độ vi rút tại vết thương một cách đáng kể. Có thể sử dụng các thuốc sát trùng như Povidine, nước oxy già…và không băng hoặc khâu vết thương trừ trường hợp chảy máu nhiều thì có thể băng tạm thời để cầm máu.

Nhốt và quản lý chó nghi dại, theo dõi chặt chẽ biểu hiện của chó.

Người bị chó cắn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh dại và cả huyết thanh (khi cần thiết). Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Hiện nay vắc xin phòng bệnh dại rất an toàn, không có những tác dụng phụ nghiêm trọng hay ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi tiêm nên có thể hoàn toàn yên tâm. Vắc xin phòng dại cần tiêm nhiều mũi (thường là 5 mũi) vào các ngày khác nhau nên người tiêm cần ghi nhớ lịch hẹn tiêm vắc xin để tránh bỏ sót mũi tiêm. Không cần kiêng cữ gì đặc biệt về chế độ sinh hoạt, ăn uống khi tiêm vắc xin.

Công ty Y tế Đức Minh nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp vắc xin cho người dân

Tuyệt đối không được đến các cơ sở y tế có quảng cáo điều trị dại bằng thuốc nam hay thuốc y học dân tộc.

Bệnh viêm não Nhật Bản cũng thường bùng phát vào mùa hè, mùa mưa. Đây là bệnh do vi rút và cũng truyền bệnh qua muỗi nên mùa hè, nhiệt độ cao là mùa muỗi hoạt động mạnh. Mùa mưa tạo thành các vũng đọng nước, tạo điều kiện cho cung quăng hay bọ gậy phát triển nở thành muỗi. Mùa hè cũng là mùa của hoa quả như vải, nhãn, xoài…từ đó hấp dẫn chim hoang dã tới ăn và truyền bệnh viêm não Nhật Bản cho người qua muỗi (chim hoang dã là ổ chứa vi rút). Vì thế mà đã có sự hiểu lầm cho quả vải liên quan đến bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản cũng là căn bệnh hết sức nguy hiểm do nó gây ra tổn thương não không hồi phục. Người mắc bệnh có thể tử vong hoặc mang theo di chứng, tàn phế.

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản cũng khá đơn giản: Hạn chế bị muỗi đốt và tiêm phòng vắc xin. Hiện nay vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới, không sản xuất từ não chuột khá an toàn, ít số mũi tiêm (thường chỉ cần 2 mũi) và có thể bảo vệ, phòng bệnh lâu dài. Lưu ý với những ai đã tiêm vắc xin thế hệ cũ từ não chuột từ trước cần đảm bảo thực hiện các mũi tiêm nhắc lại do vắc xin này chỉ đảm bảo miễn dịch được khoảng 3 năm.

Cùng nhóm bệnh truyền nhiễm do muỗi là trung gian truyền bệnh có bệnh sốt xuất huyết (Dengue). Đây là căn bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra. Người bị mắc bệnh có các biểu hiện sốt cao, đau cơ, đau khớp, sưng hạch, phát ban. Bệnh nặng có thể sốc, trụy tim mạch, tử vong. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh bệnh chuyển nặng và tử vong do không được điều trị kịp thời tại đơn vị điều trị tích cực. Chẩn đoán sốt xuất huyết và theo dõi điều trị sử dụng các xét nghiệm công thức máu và huyết thanh học (thử máu) để phát hiện kháng nguyên vi rút và các kháng thể đặc hiệu trong giai đoạn cấp tính. Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm, cho kết quả nhanh và chính xác giúp chẩn đoán sớm. Các xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu vi rút (kháng nguyên NS1) có thể phát hiện bệnh từ ngày thứ nhất. Các xét nghiệm kháng thể đặc hiệu IgM, IgG có thể phát hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 (tùy theo loại kháng thể). Nếu bị sốt và có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết.

Việc chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết thông qua xét nghiệm máu là bước rất quan trọng, giúp chẩn đoán chính xác, sớm các trường hợp triệu chứng bệnh chưa rõ ràng cũng như phân biệt với các nguyên nhân khác. Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nên cách tốt nhất để phòng tránh bệnh này là ngăn chặn không để cho muỗi đốt và đảm bảo môi trường sạch sẽ để không cho muỗi sinh sôi phát triển.

Chúng ta cũng thường nghe thấy hay đọc thấy chỗ này chỗ kia có các trường hợp ngộ độc thức ăn và cũng rất hay xảy ra vào mùa hè. Lý do là vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn sinh sôi nảy nở nhanh trong môi trường nóng ẩm và thức ăn thiếu vệ sinh.

Vi khuẩn có thể nhiễm trong quá trình chế biến thức ăn (do dụng cụ hoặc người chế biến) hoặc lưu trữ như thiếu tủ lạnh trữ thức ăn, lưu trữ quá lâu trong tủ lạnh, tủ lạnh không được vệ sinh, do mất điện…

Trong các vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn đặc biệt lưu ý đến vi khuẩn E Coli. Nó khá dễ lây lan, có mặt ở nhiều nơi và nó gây ra ngộ độc thức ăn đặc trưng như ói mửa, tiêu chảy nhiều nước. Vi khuẩn này sinh ra độc tố và khi nhiễm vi khuẩn này sẽ bị nhiễm độc tố do nó bài tiết ra.

Phòng ngừa ngộ độc thức ăn do E Coli bằng vệ sinh thực phẩm từ khâu chế biến đến bảo quản, lưu trữ thức ăn. Khi có biểu hiện ngộ độc thức ăn cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Mùa hè đã đến và chúng ta không được lơ là với các bệnh truyền nhiễm hay xảy ra vào mùa hè. Việc phòng chống bệnh đòi hỏi chúng ta có hiểu biết nhất định, tuân thủ các hướng dẫn về phòng bệnh và đặc biệt tiêm phòng vắc xin cho các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh. Đây là cách hữu hiệu nhất, an toàn và kinh tế nhất giúp chúng ta chiến thắng bệnh tật.

Theo: Hải Yến - Tienphong.vn
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,